Thầy Hiệu Trưởng Đầu Tiên Của Trường Tôi

Bài viết cách đây 8 năm trước của tác giả, Cô Hồng Anh Ngô về Thầy Hiệu trưởng đầu tiên của trường Trần Đại Nghĩa.

“Người Cha-Người Thầy của chúng tôi ❤️❤️❤️❤️❤️❤️”.

MỘT ĐỜI NGƯỜI – MỘT RỪNG CÂY

“Khi nghĩ về một đời người tôi thường nhớ về rừng cây.”

Thầy Nguyễn Bác Dụng thường gợi tôi nghĩ về một rừng cây, như thế.

Thầy như cội cổ thụ vững vàng qua bão gió cuộc đời, để chim kéo về làm tổ và những cụm lan mọc rạng ngời.

Đã có rất nhiều bài viết về Thầy Nguyễn Bác Dụng.

Thầy, một Nhà giáo ưu tú.

Thầy, một Hiệu trưởng tài đức.

Thầy, một Tiến sĩ giáo dục…

Còn hôm nay, tôi xin phép qua Thơ để thấy Người, thấy Rừng, thấy Xanh. Tôi xin phép qua Thơ để thấy Thầy, thấy Tâm – Tầm – Tài của người đã cống hiến đời mình cho sự nghiệp giáo dục.

Dặn dò về chuyện ra đi, Thầy từng nói: với tôi, một nhà giáo, thì cái chết đẹp nhất là chết trên bục giảng; còn nay làm quản lý thì đẹp nhất là chết giữa sân trường. Ngay cả khi nói về cái chết, lời thầy vẫn tỏa sáng vẻ đẹp của sự sống từ một con người đã luôn kiên trì theo đuổi lối sống đẹp.

Tôi nhớ đã từng đọc trong cuốn “Chiếc chìa khoá vàng” mà Diệu Ân viết về cuộc đời và sự nghiệp của Thầy mấy câu thơ:

Ta muốn mơ giấc mơ không thể có

Muốn đương đầu cùng cừu định cứng đầu

Muốn chấp nhận nỗi lo phiền nghiệt ngã

Muốn tới nơi lòng can đảm chùn chân

Muốn cảm hoá những lỗi lầm chai sạn

Muốn đem lòng yêu thánh thiện cao siêu

Ta muốn bước dẫu chùn chân mỏi gối

Tới những miền tinh tú cõi vô biên

Suốt một đời dạy học, thầy đã mượn bài thơ của Donquixote làm niềm an ủi. Từ bài thơ ấy, ta thấy những khát khao của Tâm, những mênh mông của Tầm trong con người Thầy.

Đời có bao “cừu định cứng đầu”, đời có bao “lo phiền nghiệt ngã”, Thầy có nề chi! Những hà khắc cuộc đời, Thầy đã đương đầu suốt tuổi thơ thiếu thốn sẻ chia mà dư thừa định kiến. Những lo phiền nghiệt ngã, Thầy đã chấp nhận từ thuở nào? Có lẽ từ khi thấy mình oằn trong đòn roi mà mẹ chỉ có thể nuốt nước mắt lặng im vì mong mình có một mái nhà đủ mẹ đủ cha, mong mình được chăm nom săn sóc?

Chữ NHẪN trong Thầy có lẽ đã nảy mầm từ xót xa đời thực, từ dáng mẹ hiền nhẫn nhục tảo tần với bao yêu thương sâu nặng. Chữ NHẪN giúp thầy bình tâm khi đối mặt với những nơi mà lòng can đảm cũng phải chùn chân, khi đối mặt với những lỗi lầm chai sạn…để từ đó xây dựng cho cây thành rừng và cảm hoá lòng người, mang đến cho đời màu xanh sự sống, màu xanh hy vọng.

“Yêu thánh thiện cao siêu” là điều không dễ. Yêu bằng cả tấm lòng lại càng khó hơn. Nhưng có hề chi khi trái tim Người Thầy đã xác định đó là Kim chỉ Nam cho cuộc đời mình! Bởi vậy nên, dẫu “chùn chân mỏi gối” Thầy vẫn muốn bước, cho tới tận “những miền tinh tú cõi vô biên”.

Những câu thơ viết về lí tưởng của hiệp sĩ trong truyện tưởng là chuyện xa xôi, nhưng ứng vào đời Thầy lại trở nên chân thực và đầy sức mạnh. TÂM trong lành cao đẹp từ Thầy đã góp phần dẫn dắt bao thế hệ học sinh, bao nhà giáo đến an yên và hạnh phúc, từ cậu học trò hỗn hào đến người thầy đi sai đường… Điều đó cũng thể hiện TẦM của Thầy.

Sau 20 năm dạy học, Thầy Nguyễn Bác Dụng chuyển sang làm công tác quản lý. Thầy yêu bục giảng và yêu thích việc khai tâm, giúp các em tìm thấy tình yêu với môn học ưa thích. Danh tiếng của Thầy đã vang xa cả nước. Nhưng dạy học thì chỉ giúp được học sinh, còn làm quản lý, có thể giúp được cả học sinh và giáo viên. Và 21 năm còn lại của tuổi nghề, Thầy đã sống chết cùng nghiệp quản lý bằng tất cả tâm huyết cũng như tài năng của mình.

Thầy luôn tâm niệm phải quản lý bằng tâm, cố gắng nhìn thấy tài năng của từng người và từ đó hỗ trợ đường thành công của họ. Với sự giúp sức và dẫn dắt của Thầy, nhiều người đã trở thành quản lý giỏi. Nhìn xa trông rộng, thấy được khả năng tiềm ẩn trong mỗi nhân viên; từ đó, khuyến khích nhân viên cháy hết mình để tỏa sáng. Cách dùng người của Thầy cùng những thành công vang dội liên tiếp trong sự nghiệp quản lý ở hầu hết các dạng trường đã cho thấy TÀI của Thầy.

Thầy Dương Thiệu Tống, một nhà sư phạm nổi tiếng về đạo đức và trí tuệ đã nhận xét về thành công của mô hình trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa mà Thầy Nguyễn Bác Dụng là người tiên phong qua ba nguyên nhân; trong đó, nguyên nhân thứ nhất: “Yếu tố quan trọng là người lãnh đạo có khả năng chuyên môn và có tâm huyết, Hiệu trưởng làm gương các thầy giáo và học trò sẽ noi theo.”

12 năm cuối của tuổi nghề, Thầy Nguyễn Bác Dụng đã chèo lái con tàu mang tên THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đến đài vinh quang. Lớp lớp giáo viên, lớp lớp học sinh đã trưởng thành từ ngôi trường Thầy làm hiệu trưởng và tỏa đi khắp mọi miền đất nước, cống hiến cho cuộc đời.

TÂM của Thầy với sự nghiệp giáo dục vẫn tiếp tục nối dài cả khi về hưu. Hưu, với người là nghỉ ngơi, chăm con chăm cháu; với Thầy lại là không ngừng nghỉ trên bục giảng đại học, không ngừng nghỉ trên các hành trình đào tạo tài năng.

Ước mơ lớn nhất của Thầy vẫn là đánh thức tài năng của con người và Thầy vẫn miệt mài như con ong cần mẫn góp mật cho đời.

Năm học 2014-2015, Thầy đã quyết định dừng chân ở mái trường Wellspring Sài Gòn để tiếp tục thực hiện tâm nguyện cống hiến vì cuộc đời. Thầy Nguyễn Bác Dụng trở thành Tổng hiệu trưởng đầu tiên của trường Wellspring Sài Gòn trong năm đầu tiên. Những ước nguyện cho ngày mai, Thầy hy vọng sẽ thực hiện được nhiều nhất cùng với thầy trò trường Wellspring Sài Gòn. Tin tưởng rằng một bộ máy gồm những con người đầy tâm huyết, những thầy cô trẻ trung và phương pháp sư phạm lấy sự phát triển của nhân cách làm trung tâm sẽ cùng Thầy thực hiện ước mơ vì sự nghiệp giáo dục.

Tôi gặp lại Thầy trong những ngày cận kề 20/11, Văn phòng thầy Tổng hiệu trưởng thơm mùi trà và ấm áp lạ lùng. Nhìn Thầy, không ai nghĩ về một người đang ở tuổi hưu. Gặp Thầy, lại được Thầy truyền lửa, thấy thêm yêu và thêm tin vào tương lai. Đôi mắt sáng, nụ cười hiền, giọng nói ấm trầm của Thầy dường như không có dấu thời gian. Có lẽ, có những con người, bằng bước chạy không ngừng nghỉ của mình, đã vượt cả thời gian. Tôi tin, những gì Thầy làm được cho đời vẫn còn chưa thể tổng kết khi ngắm nhìn ngôi trường Wellspring Sài Gòn sừng sững và rạng ngời trong nắng sớm.

Trước lúc chào biệt Thầy, tôi vô tình bắt gặp mấy vần thơ Thầy cảm tác. Năn nỉ mãi Thầy mới đồng ý chia sẻ. Thầy nói, Thầy không phải nhà thơ, Thầy chỉ viết nên tâm tư của mình mà thôi, câu chữ còn vụng về lắm…

Thầy ơi, thơ phát khởi tự lòng người sẽ đi từ trái tim đến trái tim và ở lại. Những được – thành hôm nay với Thầy chỉ là gió thoảng mây bay, nhưng với đời thì vô vàn ý nghĩa.

Làm được không cậy công

Thành rồi không ở lại

Ra đi không dấu vết

Viễn du cùng gió mây

Xác thân về cát bụi

Hồn thơm viếng mẹ hiền

Vấn vương đàn con trẻ

Chiêu hồn lạc bến phách.

Và qua những lời chân tình Thầy viết cho mình, tôi lại không chỉ gặp một Người Thầy mà còn gặp một Người Con hiếu với tấm lòng thơm thảo, một Người Ông của muôn đàn con trẻ ngây thơ.

Và qua những lời chân tình của Thầy, tôi lại gặp TÂM NGUYỆN ở lại với đời của Thầy. “Chiêu hồn lạc bến phách” – ra đi rồi nhưng lại trở về! Hồn phách Thầy nguyện ở cùng cõi người, vì cõi người, mãi mãi.

“Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây, sống gần nhau thân mới thẳng. Có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương.”

Thầy là loài cây mọc thẳng ấy, là loài cây làm nên rừng, góp phần gìn giữ quê hương.

Ảnh: Cô MaiLuu Pham, nhân ngày Thầy về trường kỷ niệm 20/11/2022.

Add a Comment

Your email address will not be published.